Viêm da cơ địa ở môi là bệnh lý thường không quá nghiêm trọng nhưng nó ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng sống của người bệnh. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra như viêm da cơ địa, nhạy cảm với ánh sáng, nhiễm trùng,… Phòng khám chuyên khoa da liễu Maia&Maia sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chứng bệnh này trong bài viết dưới đây.
1. Viêm da cơ địa ở môi là gì?
Viêm môi cơ địa là tình trạng môi bị viêm, lan ra ngoài viền môi hoặc giới hạn trong viền môi. Bệnh diễn biến cấp tính hoặc mãn tính. Các biểu hiện thường gặp ở người bị viêm môi là môi sưng, đỏ, teo, nứt, đóng vảy hoặc bong vảy. Người bệnh cảm thấy ngứa, đau, nóng, rát,… Viêm môi cơ địa có thể do nguyên nhân tại chỗ hoặc thứ phát sau các bệnh lý như lupus ban đỏ hệ thống, bệnh Crohn, bệnh sarcoidosis, bệnh bóng nước tự miễn hoặc suy dinh dưỡng.
2. Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở môi
Viêm môi cơ địa có nhiều dạng khác nhau. Mỗi dạng lại hình thành do những nguyên nhân riêng biệt. Cụ thể là:
2.1. Chàm ở môi (Eczematous Cheilitis)
Chàm ở môi là tình trạng viêm da trên môi. Các triệu chứng của bệnh chàm môi là mẩn đỏ, nổi mụn nước, chảy nhiều vảy, khô môi, nứt nẻ môi và đóng vảy. Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng như ngứa, rát môi, lở loét trên môi. Mụn nước nhỏ trên môi có thể vỡ ra gây chảy máu, đau rát,…
Nguyên nhân gây ra bệnh chàm môi bao gồm cả nguyên nhân nội sinh và ngoại sinh. Nguyên nhân nội sinh là viêm da cơ địa, chàm hoặc hen suyễn. Nguyên nhân ngoại sinh là do viêm da tiếp xúc dị ứng, kích ứng hóa chất, mỹ phẩm (kem đánh răng, son môi, kem dưỡng da…), thay đổi thời tiết, dị ứng thức ăn, rối loạn nội tiết tố, thiếu hụt dinh dưỡng (kẽm, sắt, vitamin B) và căng thẳng tâm lý. Đôi khi, có nhiều trường hợp bị chàm môi do cả nguyên nhân nội sinh và ngoại sinh.
2.2. Viêm môi tiếp xúc (Contact Cheilitis)
Viêm môi tiếp xúc là tình trạng da môi bị kích ứng khi tiếp xúc với các chất kích thích hoặc chất gây dị ứng. Khi bị viêm môi tiếp xúc, bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy vùng môi.
Các yếu tố gây viêm môi tiếp xúc ở trẻ em:
- Nickel (42%), Balsam of Peru
- Neomycin, Formaldehyde
- Cocamidopropyl betaine
- Các chất tạo mùi tổng hợp
- Propylene glycol
- Methylchloroisothiazolinone
- Cobalt chloride
- Bacitracin, Bronopol, Wool alcohols
Nguyên nhân gây viêm môi tiếp xúc ở người lớn:
- Dùng son môi, son dưỡng hoặc sản phẩm chống nắng có chứa benzophenone
- Dụng cụ chỉnh hình nha khoa bằng kim loại hoặc tiếp xúc với vật dụng như sáo, kèn,…
- Nước súc miệng, tăm, kem đánh răng, chỉ nha khoa,…
- Thực phẩm: Xoài, quế, trái cây có mùi
- Nhựa latex
- Sơn móng tay
2.3. Viêm môi ánh sáng (Actinic Cheilitis)
Viêm môi ánh sáng là tình trạng ánh sáng mặt trời làm tổn thương lớp ngoài của mô môi. Đây được coi là tình trạng tiền ung thư, loạn sản, làm tăng nguy cơ ung thư da. Khoảng 90% các trường hợp viêm môi ánh sáng xảy ra ở môi dưới và có biểu hiện như: môi khô dai dẳng, có mảng vảy hoặc tổn thương dạng loét, lớp vảy khô trên môi, viêm, đau hoặc nứt toàn bộ môi, vết nứt sâu.
Nguyên nhân gây viêm môi ánh sáng và các yếu tố nguy cơ:
- Những người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mạnh hoặc thời tiết khắc nghiệt: thủy thủ, nông dân, nhân viên cứu hộ, …
- Những người phơi nắng quá nhiều
- Nam giới mắc bệnh cao gấp 3 lần nữ giới
- Người da trắng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn
- Những người sống và làm việc ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới hoặc sa mạc
- Bệnh thường gặp ở người lớn
- Thói quen hút thuốc và nhai trầu có thể làm yếu các mô bên ngoài của môi, khiến chúng dễ bị tổn thương do ánh nắng mặt trời.
- Uống nhiều rượu, nhiễm HPV hoặc rối loạn miễn dịch, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
2.4. Viêm môi nhiễm trùng (Infective Cheilitis)
Viêm môi nhiễm trùng cũng là một dạng viêm da cơ địa ở môi, gây ra bởi:
- Vi rút: HSV (loại 1 phổ biến hơn loại 2), vi rút HPV, varicella-zoster;
- Vi khuẩn: Viêm môi là kết quả của nhiễm trùng nướu, nhiệt miệng, chốc lở sau nhiễm vi-rút. Trường hợp nặng có thể bị lở loét, hoại tử. Săng giang mai môi gây ra vết loét hình tròn hoặc bầu dục với đáy chắc, bờ đều và không đau.
- Nhiễm ký sinh trùng Leishmania.
2.5. Viêm môi vùng mép (Angular Cheilitis)
Viêm môi vùng mép một dạng của viêm môi cơ địa. Đây là một bệnh viêm da cấp tính hoặc mãn tính với biểu hiện nứt nẻ, sưng tấy, đỏ hoặc chảy dịch ở khóe (mép) miệng… gây đau nhức, khó chịu cho người bệnh. Viêm môi vùng mép không lây lan nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Nguyên nhân của loét miệng:
- Nguyên nhân chính: Nhiễm Candida, nhiễm nấm men, Staphylococcus aureus, Streptococcus, herpes simplex virus.
- Yếu tố nguy cơ cao: Bệnh nhân tiểu đường; suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, hóa trị liệu, bệnh nhân down, bệnh nhân thiếu máu hoặc chế độ ăn uống kém; chảy nước miếng mãn tính do khóe môi xệ xuống; khóe môi bị nhiễm trùng do lắp răng giả không đúng cách; bệnh viêm lợi; môi nứt nẻ.
2.6. Viêm môi bong vảy (Exfoliative Cheilitis)
Viêm môi bong vảy là tình trạng môi bị tổn thương, đóng vảy tiết trên môi. Bệnh không lan rộng ra ngoài môi. Các triệu chứng nhẹ bao gồm môi có vảy, môi đỏ, đau nhẹ và hay tái phát. Ở giai đoạn mãn tính, môi đỏ, viêm và đóng vảy dày thành nhiều lớp. Khi vảy bong ra, môi có màu đỏ tươi, ẩm ướt. Nếu tình trạng viêm nhiễm kéo dài sẽ khiến môi nứt nẻ, chảy máu, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh.
Nguyên nhân của viêm môi tróc vảy:
- Do một số bệnh lý về da: viêm da, viêm da cơ địa, vảy nến, người có thói quen liếm môi, người nhạy cảm với ánh nắng hoặc người đang dùng retinoids;
- Dị ứng: Các chất gây dị ứng trong kem đánh răng, son môi, nước súc miệng, bọt cạo râu, sơn móng tay,… có thể gây ra bệnh viêm môi bong vảy.
2.7. Một số bệnh lý viêm da cơ địa ở môi khác
- Sẩn ngứa do ánh nắng: thường gặp ở Mỹ Latinh, chủ yếu ở người trẻ tuổi, do quá mẫn tuýp IV
- Viêm môi dạng u hạt: Bệnh do hội chứng Melkersson-Rosenthal. Giai đoạn đầu u hạt sưng mềm, sau đó cứng và không đau.
- Viêm môi xâm nhập tương bào: một bệnh viêm môi dị ứng hiếm gặp, lành tính, vô căn, không rõ nguyên nhân. Đặc trưng bởi thâm nhập tương bào ở trung bì nông trên mô bệnh học.
- Cheilitis glandularis
- Viêm môi do thuốc
Viêm da cơ địa ở môi do nhiều nguyên nhân gây ra, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp. Ngoài ra, nếu không chăm sóc môi đúng cách, bệnh có thể trở nên nặng hơn, dễ bị bội nhiễm hoặc phát triển những biến chứng khó lường. Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm môi, người bệnh nên đi khám và điều trị kịp thời, không nên tự ý điều trị tại nhà.