fbpx

10 bệnh thường gặp ở trẻ lúc giao mùa, bố mẹ hết sức chú ý

Vào những thời điểm giao mùa độ ẩm trong không khí tăng cao, thời tiết thay đổi đột ngột, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh tấn công tới cơ thể của trẻ. Vì sức đề kháng của trẻ em khá yếu nên rất dễ mắc phải các bệnh giao mùa ở trẻ em như cúm, sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp,… Do đó bố mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức về bệnh thường gặp ở trẻ lúc giao mùa cũng như cách phòng tránh bệnh tốt nhất cho con trẻ. 

1. Cảm cúm

Khi trẻ mắc bệnh cảm cúm sẽ xuất hiện các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng, ho, hắt hơi liên tục, nhức mỏi toàn thân kèm dấu hiệu sốt. 

  • Phòng tránh:

– Luôn giữ ấm cho cơ thể của bé trong điều kiện thời tiết thay đổi (đặc biệt là các bé mới sinh), nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, đầu, cổ, ngực.

– Hạn chế cho bé tiếp xúc với quá nhiều người, nhất là với những người có biểu hiện bị bệnh cúm, đặc biệt không cho người lớn hôn hoặc thơm má con, đây là hành động giúp bảo vệ con của bạn. 

– Cho bé uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp ra từ tủ lạnh, kem, đá.

– Tăng cường dinh dưỡng và vitamin C, cho bé uống nước đầy đủ để giúp bé có sức đề kháng. Với bé trên 6 tháng tuổi, có thể tiêm phòng cúm định kì cho bé mỗi năm một lần sẽ giúp phòng ngừa bệnh tốt nhất.

Cảm cúm
Cảm cúm

2. Sốt phát ban

Hiện tượng sốt phát ban ở trẻ là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ lúc giao mùa, xảy ra do virus sởi hoặc virus rubella. Trong đó bệnh gây ra bởi virus sởi còn gọi là bạn đỏ, còn bệnh gây ra bởi virus rubella được gọi là ban đào. Bệnh này lây qua đường hô hấp và có khả năng lây nhiễm. Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt phát ban ở trẻ đó là trẻ bị sổ mũi, đau họng, đau đầu, viêm kết mạc mắt, niêm mạc vòm họng và có sự xuất hiện những chấm xuất huyết nhỏ trên cơ thể. 

Ở vị trí gần hai bên cổ, sau tai của bé sẽ xuất hiện hai hạch sưng to và đau. Da bé sẽ xuất hiện những nốt đỏ nhỏ li ti ở vùng mặt rồi sau đó lan nhanh ra toàn thân và chân tay. Trẻ bị sốt, nổi ban đỏ khắp người, nhiều nhất ở thân mình và tứ chi.

  • Phòng tránh: Tốt nhất nên cho bé tiêm phòng sởi và rubella theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Sốt phát ban
Sốt phát ban

3. Bệnh đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ hay còn được gọi là bệnh viêm màng kết. Bệnh này thường bùng phát vào thời điểm giao mùa từ hè sang thu, lúc này thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí tăng cao,… khiến cho hệ thống miễn dịch của trẻ suy yếu dẫn đến các virus gây bệnh dễ dàng tấn công vào cơ thể bé. 

Bệnh thường có biểu hiện rõ nhất là mắt đỏ và có dử mắt, mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, chảy nước mắt…

  • Phòng tránh:

– Để chữa bệnh đau mắt đỏ hiệu quả nhất phải phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy, nếu không may bị bệnh tốt nhất bạn nên đưa trẻ đi khám. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ

– Khi ra ngoài phải có biện pháp bảo vệ mắt và tránh tiếp xúc với người bị bệnh…

Bệnh đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ

4. Viêm tai

Viêm tai ở trẻ là trong những bệnh lý rất hay gặp vào mùa đông. Do những thay đổi đột ngột về thời tiết, không khí lạnh hơn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tai cấp tính ở trẻ. Khi mắc bệnh này trẻ sẽ bị đau tai, khó nghe, sốt cao kèm hiện tượng chảy dịch ở tai. 

  • Phòng tránh:

– Giữ ấm cơ thể cho trẻ nhỏ, đặc biệt là vùng tai. Khi cho trẻ bú, không cho trẻ ngậm ti khi đang ngủ để tránh sữa bị chảy vào tai. 

– Vệ sinh tai cho trẻ, nhất là khi vừa mới tắm xong để tránh nước vào tai gây bệnh. 

Viêm tai
Viêm tai

5. Bệnh viêm đường hô hấp

Trong giai đoạn thời tiết giao mùa, các loại virus hợp bào phát triển rất nhanh, khi chúng xâm nhập vào cơ thể bé sẽ phá vỡ hệ thống đề kháng còn non nớt của trẻ và gây ra các bệnh liên quan đến hệ hô hấp như: Bệnh viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi,… Các bệnh này có khả năng lây nhiễm qua đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay,… 

Bé có thể đột ngột sốt cao, đau đầu, lạnh toàn thân, đau toàn thân; đau họng, ho, mệt mỏi; chán ăn, khó thở, tiêu chảy nhẹ.

  • Phòng tránh:

Thường xuyên rửa tay sạch sẽ cho bé bằng xà phòng. Giữ ấm cơ thể cho bé và hạn chế đưa bé đến chỗ đông người. Đeo khẩu trang cho bé khi đi ra đường. Tránh cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé. Không nên cho bé đi bơi ở những bể bơi công cộng hoặc những khu vui chơi giải trí dưới nước.

Bệnh viêm đường hô hấp
Bệnh viêm đường hô hấp

6. Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền, có thể xuất hiện quanh năm nhất là vào những thời điểm giao mùa nhạy cảm. Bệnh này nay xảy ra ở cả người lớn và cả trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi. Khi bị bệnh sốt xuất huyết bé có thể bị sốt cao đột ngột và liên tục khoảng 39 – 40 độ C trong vòng từ 2 – 4 ngày, kèm theo đó có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết dưới da, mọc thành từng đám rải rác, thậm chí có thể xuất huyết ở niêm mạc miệng, đi tiêu ra máu…

Nếu nghi ngờ bé bị sốt xuất huyết, tuyệt đối không cho bé dùng thuốc hạ sốt loại Aspirin vì dễ làm tăng nguy cơ chảy máu, nên cho uống thuốc giảm sốt loại Paracetamol rồi chuyển ngay tới bệnh viện.

  • Phòng tránh:

– Cho bé mặc quần áo dài tay, ngủ màn cả ban đêm lẫn ban ngày. Không để bé ở nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt. Thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ bé.

– Bỏ màn trước khi đi ngủ để tránh bị muỗi đốt. 

– Đậy kín lu, vại, thùng chứa nước để tránh tạo môi trường thuận lợi cho muỗi đẻ trứng. 

– Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, sử dụng nước lau nhà có tính sát khuẩn, thường xuyên giặt giũ chăn màn sạch sẽ. 

– Đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào bát nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi. Có thể dùng thuốc diệt muỗi.

Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết

7. Viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản là bệnh do virus gây ra, là bệnh giao mùa thu đông ở trẻ em, nhất là trẻ trong khoảng từ 3 – 6 tháng tuổi. Khi mắc bệnh này, các tiểu phế quản có hiện tượng sưng, chất nhầy tích tụ trong đường dẫn khí khí phổ nhỏ nhất. 

Cha mẹ không nên chủ quan khi thấy bé có những dấu hiệu như ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Sau 3-5 ngày thì bé ho ngày một nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít.

Nếu bé có dấu hiệu bệnh nhẹ, chú ý cho bé ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước để tránh thiếu nước. Để giúp bé dễ thở và bú tốt hơn thì cần làm thông thoáng mũi cho bé, có thể bằng cách nhỏ một vài giọt nuớc muối sinh lý. Khi bé có dấu hiệu nặng như khó thở, bú kém, tím tái, có biến chứng cần cho bé nhập viện để điều trị.

  • Phòng tránh:

– Rửa tay bằng xà phòng trước khi săn sóc con. Không hôn con. Tránh để bé sơ sinh, 2-3 tháng tuổi tiếp xúc với môi trường đông người hoặc môi trường không khí quá tù hãm (duy trì sự thông thoáng của phòng bé).

– Nếu bé bị sổ mũi, bố mẹ nên thường xuyên hút và rửa mũi cho con bằng dung dịch sinh lý nhằm ngăn chặn virus xâm nhập xuống khí phế quản.

– Không cho con tiếp xúc với những người đang có biểu hiện sổ mũi hoặc dùng chung các dụng cụ của bé khác, đặc biệt không hút thuốc trong phòng của bé.

Viêm tiểu phế quản
Viêm tiểu phế quản

8. Tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy là bệnh giao mùa ở trẻ em khá phổ biến do rotavirus gây ra, bệnh thường gặp khi vào mùa đồng và thường xảy ra ở trẻ từ 3 – 24 tháng tuổi Virus gây bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua đường phân – miệng. Khi mới mắc bệnh bé sẽ bị nôn trước và sau khoảng từ 1 – 2 ngày thì bé bị đi ngoài. 

Bé có thể ho, sốt nên nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng. Bệnh thường kéo dài 3-7 ngày.

Biến chứng nguy hiểm là mất nước, mất muối quá nhiều, dễ dẫn đến trụy mạch, thậm chí tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Vì thế, nếu chăm sóc ở nhà, cha mẹ nên cho bé uống dung dịch oresol theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì, không pha loãng hay đặc quá. Nếu thấy bé mệt quá, nên đưa bé đến bệnh viện để truyền dịch.

Ngoài ra, không nên kiêng khem quá mức trong việc ăn uống. Cần cho bé ăn những thức ăn dễ tiêu như cháo loãng, chuối tiêu, vẫn có thể uống sữa bình thường…

  • Phòng tránh:

– Để phòng bệnh tiêu chảy, tốt nhất cha mẹ nên đưa bé đi tiêm vacxin. Mẹ cần đảm bảo vệ sinh cho bé trong ăn uống. Thức ăn vừa nấu xong, nên cho bé ăn ngay.

– Với thức ăn chưa dùng hết, bảo quản tủ lạnh, nếu muốn dùng cho bé vào bữa sau thì cũng cần đun sôi kỹ lại.

– Ngoài ra, cũng cần cảnh giác không cho bé tiếp xúc với những động vật nuôi trong nhà như chó, mèo, chim, gà hay như cả những loài vật không có lông khác như: Rùa, ốc, ba ba bởi đây là những loài động vật thường chứa mầm bệnh có thể lây truyền từ động vật qua bàn tay vào thức ăn.

Tiêu chảy
Tiêu chảy

9. Quai bị

Khi bị quai bị, bé có thể hơi sốt, mệt mỏi, ho kèm theo hiện tượng sưng, đau một bên mang tai rồi đau cả hai bên. Và sau khoảng 5-7 ngày bệnh có thể tự hết nếu diễn biến thông thường.

Quai bị là một bệnh lành tính, tỷ lệ biến chứng là 1/1000. Bé trai có thể bị viêm tinh hoàn, xuất hiện trong khoảng 7-10 ngày sau khi sưng tuyến mang tai. Nếu không được điều trị kịp thời tình trạng viêm nặng hơn, sẽ ảnh hưởng đến ống dẫn tinh, một trong nhiều nguyên nhân gây vô sinh.

Ngoài ra bé cũng có thể bị viêm não, màng não, xảy ra vào ngày thứ 3-10 với các triệu chứng sốt cao, nhức đầu, ói mửa, đôi khi có co giật…

Nếu đang mắc bị quai bị mà bé có biểu hiện bất thường như: đau tinh hoàn, sờ rắn lại (ở bé trai), đau bụng dưới (ở bé gái) hoặc thấy đau đầu, nôn… thì cần đến bệnh viện để kiểm tra sớm.

Bệnh do virus nên không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau… Có thể đắp ấm vùng tuyến mang tai nhằm giảm những cơn đau cho bé; chăm sóc răng miệng cho bé sạch sẽ; cho bé ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu và nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

  • Phòng tránh:

– Giữ ấm cho cơ thể bé khi trời lạnh và mắc quần áo thoáng mát cho bé khi vào mùa hè. 

– Thường xuyên làm thông thoáng đường thở, vệ sinh mũi họng cho bé bằng nước muối sinh lý.

– Cho bé ăn uống đủ chất để có năng lượng chống lạnh và súc miệng nước muối hằng ngày.

– Nên cho bé uống nhiều nước, ăn thêm các loại trái cây, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng.

– Vệ sinh môi trường sạch sẽ, thông thoáng khí.

Quai bị
Quai bị

10. Bệnh thủy đậu

Thủy đậu là bênh có khả năng lây nhiễm do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây ra. Bệnh này có thời gian ủ bệnh từ 2 – 3 tuần. Và những dấu hiệu của bệnh bắt đầu được thể hiện rõ nhất là sau khoảng từ 10 – 21 ngày. Khi mắc bệnh trẻ có thể bị sốt, đau đầu, đau cơ, sau đó sẽ xuất hiện thêm các nốt hồng ban.

  • Phòng tránh:

– Biện pháp phòng tránh bệnh thủy đậu tốt nhất hiện nay đó là tiêm vacxin phòng bệnh.

– Nếu trẻ bị bệnh nên thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để hỗ trợ điều trị bệnh.

Bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu

Trên đây là thông tin chi tiết về 10 bệnh giao mùa ở trẻ em, nếu bạn còn bất kì thắc mắc liên quan đến các bệnh về da, hãy liên hệ ngay đến Tổng đài tư vấn online miễn phí 24/24 hotline: 1800 4888 tại Phòng khám Da liễu thẩm mỹ Maia & Maia để được chính các chuyên gia giải đáp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *