Da khô là tình trạng nhiều người phải đối mặt khi lão hóa, di truyền hoặc ảnh hưởng của các bệnh lý da liễu. Để biết chính xác nguyên nhân khiến da bị khô là gì, cần có sự kiểm tra thậm chí sinh thiết.
Những biểu hiện của khô da
Da bị khô là khi không có đủ độ ẩm cần thiết để giữ cho bề mặt da mềm mại và kết cấu da dẻo dai. Da khô có thể kèm theo tình trạng bong tróc, thô ráp. Tình trạng ngứa có thể xuất hiện hoặc không. Một số tình trạng da khô nghiêm trọng có thể dẫn tới nứt da, chảy máu.
Da khô là một tình trạng phổ biến và có thể xuất hiện ở tất các lứa tuổi, tuy nhiên thường gặp ở người lớn tuổi hơn. Nguyên nhân của điều này là do lượng dầu tự nhiên để tạo độ ẩm trên da bị giảm sút theo thời gian; da trở nên mỏng hơn, dễ bị tổn thương hơn; các thành phần quyết định kết cấu da như collagen, lipid, elastin không còn hoạt động mạnh mẽ như lúc đầu.
Một số yếu tố như khí hậu khô hanh, độ ẩm thấp, làm việc ngoài trời nhiều cũng khiến da bị khô. Ngoài ra, một số yếu tố sức khỏe cũng có thể liên quan, chẳng hạn như: dị ứng, kích ứng, bệnh tiểu đường, các bệnh da liễu ngoài da.
Các bệnh da liễu khiến da bị khô
Bên cạnh những yếu tố bên ngoài khiến da khô thì viêm da có thể là nguyên nhân chính tạo nên tình trạng này. Một số loại viêm da phổ biến có thể kể đến gồm:
Viêm da tiếp xúc
Loại viêm da này xảy ra khi da tiếp xúc với một tác nhân nào đó, gây ra phản ứng kích ứng hoặc dị ứng. Viêm da tiếp xúc thường gây ra tình trạng dát đỏ, ngứa, mụn nước thậm chí lở loét. Viêm da tiếp xúc có thể phản ứng khi da tiếp xúc với hóa chất, kim loại, thuốc, côn trùng…
Viêm da cơ địa
Đây là loại viêm da phổ biến và thường bùng phát vào mùa đông, khi thời tiết khô hơn. Viêm da cơ địa còn thường được gọi với những tên như viêm da dị ứng, bệnh chàm…Biểu hiện của bệnh là da khô, đỏ, sần sùi và ngứa. Ở thể nặng, viêm da cơ địa gây nứt da, nhiễm trùng. Bệnh càng chuyển biến nghiêm trọng nếu da không được dưỡng ẩm thường xuyên, tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa…
Có thể bạn muốn biết: Tìm hiểu chi tiết về bệnh viêm da cơ địa
Viêm da tiết bã
Viêm dă tiết bã, hay còn gọi là viêm da dầu là loại viêm da hình thành khi cơ thể phản ứng với một loại nấm men phát triển trên da. Bệnh viêm da này khiến da bị khô, bong tróc, đỏ, ngứa. Bệnh thường xuất hiện ở trên mặt, da đầu và các khu vực nếp gấp như bẹn, khóe mũi, tai, mặt trong của tay, chân.
Nguyên nhân nào gây khô da?
có khá nhiều yếu tố gây khô da, đó có thể là sinh lý tự nhiên của da, cũng có thể là ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài.
Khô da do khí hậu, điều kiện môi trường ít độ ẩm, chẳng hạn như mùa đông hoặc môi trường sa mạc, cao nguyên thì thường bị tình trạng khô da hơn
Khô da do tuổi tác: Đây là sự thay đổi một cách tự nhiên theo quá trình lão hóa của da.
Khô da do di truyền: một số người sở hữu tình trạng da khô di truyền, cũng tương tự như một số người sở hữu làn da dầu nhờn.
Khô da do tình trạng sức khỏe: Một số bệnh trong cơ thể liên quan đến thận có thể khiến da khô và ngứa.
Khô da do tác động bên ngoài: Một số người thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, chất tẩy rửa như nhân viên trị liệu, spa, làm tóc… có nhiều khả năng bị khô da hơn.
>>>Tư vấn tình trạng bệnh TẠI ĐÂY!
Cách cải thiện tình trạng da bị khô
Da khô bệnh lý hay sinh lý có thể được chẩn đoán dễ dàng thông qua khám lâm sàng. Tùy thuộc vào tiền sử bệnh, triệu chứng bệnh, thời gian bùng phát mà bác sĩ da liễu có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm phân biệt như: xét nghiệm máu, thử dị ứng, sinh thiết da…
Dựa trên nguyên nhân và bệnh mà chúng ta có thể cải thiện tình trạng khô da bằng các phương pháp khác nhau.
Sử dụng kem dưỡng ẩm
Kem dưỡng ẩm là sản phẩm không thể thiếu cho những người bị khô da. Nó giúp làm mềm da, cung cấp độ ẩm cho da, đồng thời tạo lớp rào chắn bảo vệ tự nhiên cho da. Các sản phẩm dưỡng ẩm được bán vô vùng phổ biến và bạn hoàn toàn có thể lựa chọn một loại phù hợp với mình.
Sử dụng thuốc điều trị
Với những người có bệnh lý da liễu gây khô da hoặc tình trạng nứt nẻ, bong tróc da quá nghiêm trọng, bác sĩ sẽ kê thuốc để giảm tình trạng viêm da, giảm ngứa và tăng tốc độ hồi phục da. Thuốc điều trị có thể ở dạng bôi ngoài da, tiêm hoặc uống và việc sử dụng cần theo sự chỉ định của bác sĩ.
Các phương pháp khác
Sử dụng các sản phẩm sữa tắm dịu nhẹ, ít hương liệu;
Hạn chế tắm nước quá nóng và tắm quá lâu;
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời;
Kiểm soát căng thẳng, vì căng thẳng có thể làm một số bệnh lý tiến triển nặng hơn;
Dưỡng ẩm và chống nắng đầy đủ cho da;
Uống đủ nước trong ngày;
Không hút thuốc lá.
Da bị khô thường là phản ứng của cơ thể đối với các tác nhân bên ngoài, hoặc cũng có thể là do bệnh lý của cơ thể. Rất nhiều tình trạng da khô là mãn tính, không thể giải quyết dứt điểm, chỉ có thể điều trị duy trì kiểm soát bệnh. Do vậy, nếu da bạn bị khô và không thể cải thiện bằng các biện pháp thông thường thì bạn nên tới gặp bác sĩ da liễu. Dựa trên nguyên nhân, tình trạng da mà bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Những bài viết được nhiều người quan tâm
- Viêm da cơ địa trẻ em và người lớn – Những sai lầm khi điều trị
- Bệnh viêm da tiết bã
- Viêm da cơ địa ở người lớn và bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh